image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai

anh tin bai

 
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Viết tiếp những trang vàng hiếu học của Thành Nam
Lượt xem: 1433

Lưu danh khoa bảng

Theo sử sách, từ năm 1075 đến năm 1919, các triều đại phong kiến ở nước ta đã tổ chức 185 khoa thi với 2.896 người đỗ đại khoa (từ Phó bảng trở lên), trong đó có 47 Trạng nguyên. Riêng Thiên Trường - Nam Định có 88 vị đỗ đại khoa gồm 5 Trạng nguyên là Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích, Lương Thế Vinh, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo; 2 Đệ nhất giáp; 2 Thám hoa; 2 Bảng nhãn; 15 Hoàng giáp; 46 Tiến sĩ; 16 Phó bảng.

Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của các nhà khoa bảng trên quê hương Nam Định có thể thấy rõ, các bậc đại khoa chủ yếu xuất thân từ các gia đình nghèo, gắn bó với cuộc sống gian khổ chân lấm, tay bùn nhưng ham học, thông minh, có ý chí vươn lên. Quê hương chính là chiếc nôi nuôi dưỡng, vun đắp ước mơ và khát vọng cao đẹp của họ. Con đường học hành thành đạt, lập thân lập nghiệp của các bậc đại khoa Thiên Trường - Nam Định hanh thông khi tuổi đời còn rất trẻ. Trạng nguyên Nguyễn Hiền thi đậu khi mới 12 tuổi; Trạng nguyên Lương Thế Vinh thi đậu khi 23 tuổi; Trạng nguyên Đào Sư Tích thi đậu năm 24 tuổi; Hoàng giáp Trần Bích San đậu giải Nguyên khoa lúc 26 tuổi, đậu Hội nguyên và Đình nguyên Hoàng giáp lúc 27 tuổi; Trạng nguyên Trần Văn Bảo thi đậu khi 27 tuổi...

Sau khi thành đạt, họ luôn giữ vững phẩm chất đạo đức trong sáng, một lòng vì dân, vì nước, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp dựng nước, giúp đời và bảo vệ bờ cõi, làm rạng rỡ non sông. Họ trở thành những bậc tài danh: nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà toán học, nhà sử học, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo... Nhiều câu chuyện cảm động về trí thông minh, tinh thần quả cảm, lòng yêu nước thiết tha cháy bỏng, khát vọng dựng nước, giúp đời vẫn được lưu truyền với sự yêu mến và ngưỡng vọng trong nhân dân.

Một sự trùng phùng kỳ diệu trở thành truyền thống cao đẹp của vùng đất hiếu học này là: Có dòng họ hiếu học và cháu con phương trưởng, có thầy giỏi và trò giỏi, có cha tài và con giỏi nối nghiệp. Đất học Thành Nam nức tiếng có nhiều người học giỏi được ca ngợi trong dân gian qua những câu chuyện về “Ông đồ Thành Nam”...

Tên tuổi các vị đại khoa đã được đặt tên các trường học của Nam Định như: Trường Đại học Lương Thế Vinh, Trường Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh (Vụ Bản), Trường Trung học Cơ sở Lương Thế Vinh (thành phố Nam Định); Trường Trung học Phổ thông Trần Văn Bảo (Nam Trực), Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Hiền (Nam Trực), Trường Trung học Cơ sở Đào Sư Tích (Trực Ninh), Trung tâm Giáo dục thường xuyên Vũ Tuấn Chiêu, Trường Trung học Phổ thông Phạm Văn Nghị (Ý Yên), Trường Trung học Cơ sở Trần Bích San (thành phố Nam Định)

Toàn xã hội chăm lo cho sự học

Ngày nay, truyền thống hiếu học của quê hương Nam Định được tiếp nối và phát huy lên tầm cao mới. Tinh thần hiếu học đã thấm đẫm trong mỗi người dân nơi đây. Ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất này, từ thành thị đến nông thôn, từ ngõ xóm đến khu phố, trong nhà thờ hay nhà chùa đều sôi nổi các hoạt động chăm lo cho sự học. Mỗi gia đình, mỗi dòng họ đều trở thành môi trường giáo dục hiệu quả và lành mạnh.

Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (huyện Xuân Trường) - quê hương của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, từ xưa đã nổi tiếng với câu “trai học hành, gái canh cửi”. Mỗi khi trong làng có người đỗ đạt, làng thường tổ chức lễ khen thưởng trang trọng, động viên, khích lệ tinh thần học tập của lớp lớp “nho sinh” trong làng. Gia đình nào không có tiền cho con ăn học thì mọi người trong gia đình, dòng tộc và xóm giềng tự dạy cho nhau, người biết dạy cho người chưa biết, người biết nhiều dạy cho người biết ít... từ đó hình thành một truyền thống học tập mà ít nơi nào có được. Qua các thời kỳ, Hành Thiện luôn có nhiều người đỗ đạt, làm quan trong các triều đình, ngày nay làng lại tiếp tục sản sinh cho đất nước nhiều người con ưu tú. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1945 đến nay, quê hương Hành Thiện có trên 200 người con là Giáo sư, Tiến sĩ, trong đó có hơn 80 Giáo sư.

Với tổng số 1.900 hộ, 6.700 khẩu, làng Hành Thiện có 99% gia đình học tập, 61% gia đình có Cử nhân, 35% gia đình có Thạc sĩ; tất cả 17 dòng họ đều có Giáo sư, Tiến sĩ... Người Hành Thiện có rất nhiều hình thức khác nhau để hun đúc, lan tỏa tinh thần hiếu học đến các thế hệ như dựng bia đá, bảng vàng lưu danh ở đình làng… Hàng năm, Hội Khuyến học làng tổ chức lễ vinh danh, khen thưởng học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc. Năm 2020, làng Hành Thiện có thêm 4 Tiến sĩ; năm 2021, làng có 109 học sinh giỏi...

Nam Định là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc thành lập Hội Khuyến học và phát triển tới khắp các thôn, làng, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, dòng họ, nhà chùa, xứ đạo... Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2017-2022 của Hội Khuyến học tỉnh Nam Định, số Chi hội và Ban Khuyến học tăng 16,5% so với năm 2017. Số hội viên đạt 37% dân số, đứng thứ hai cả nước. Toàn tỉnh hiện có 75,9% gia đình đạt danh hiệu Gia đình học tập; 74,6% dòng họ đạt danh hiệu Dòng họ học tập; 81,7% cộng đồng học tập cấp thôn, xóm, tổ dân phố; 95,6% đơn vị học tập (cấp xã quản lý); 91% cộng đồng học tập cấp xã.

Ở cấp tỉnh hiện có Quỹ Khuyến học Lương Thế Vinh, Quỹ Khuyến học của Hội Khuyến học tỉnh, Quỹ học bổng Hoàng Ngân của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Quỹ học bổng Vòng tay đồng đội của Hội Cựu chiến binh tỉnh... Ở các huyện, thành phố cũng đã thành lập các quỹ khuyến học mang tên các danh nhân như: Nguyễn Hiền (Nam Trực), Phạm Văn Nghị (Nghĩa Hưng), Đào Sư Tích (Trực Ninh), Sóng Hồng (Xuân Trường), Trần Bích San (thành phố Nam Định), Tống Văn Trân (Ý Yên), Trần Hưng Đạo (Mỹ Lộc), Lương Thế Vinh (Vụ Bản), Vũ Văn Hiếu (Hải Hậu)... với số tiền từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng. Toàn tỉnh có 286 đơn vị khuyến học cơ sở có Quỹ Khuyến học từ 100 triệu đồng đến 4 tỷ đồng.

Năm năm qua, các cấp Hội Khuyến học toàn tỉnh đã huy động ủng hộ được gần 200 tỷ đồng, trung bình 40 tỷ đồng/năm, số dư hiện tại gần 178 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn vận động các nhà tài trợ hỗ trợ xây dựng trường học, mua trang thiết bị dạy học, hiến đất, tặng tủ sách, nhận đỡ đầu cho nhiều học sinh mồ côi... Từ nguồn Quỹ Khuyến học đã khen thưởng kịp thời cho các giáo viên, học sinh có thành tích cao trong dạy và học, đạt giải quốc gia và quốc tế; trao học bổng, tặng xe đạp, dụng cụ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật, mồ côi... Trong đó, Quỹ Khuyến học Lương Thế Vinh hiện có 36 tỷ đồng; từ năm 2016 đến 2021 đã biểu dương và trao thưởng cho trên 4.900 cán bộ, giáo viên xuất sắc, học sinh giỏi đạt giải các cấp, học sinh mồ côi cả cha mẹ. Quỹ của Hội Khuyến học tỉnh huy động được 14 tỷ đồng, đã trao 12.020 suất quà với tổng số gần 13 tỷ đồng, tăng 2 lần so với giai đoạn 2010 - 2015.

Nhân dịp khai giảng năm học 2022 - 2023, Hội Khuyến học tỉnh đã trao 2.000 suất học bổng với tổng số 2,7 tỷ đồng, trong đó có 1.000 suất học bổng bằng xe đạp (trị giá 1,1 triệu đồng/suất) cho học sinh là con gia đình chính sách, hộ nghèo, chăm ngoan hiếu học. Đây là năm thứ 10 Hội Khuyến học trao xe đạp khuyến học cho học sinh với tổng số 10.002 xe và là đợt trao học bổng lớn nhất trong năm của Hội, qua đó động viên các em khắc phục khó khăn, vươn lên trong học tập, xứng đáng với truyền thống hiếu học của quê hương.

Thời gian tới, Hội Khuyến học tỉnh phấn đấu phát triển hội viên đạt 37% trở lên; 100% trường đại học, 80% trường cao đẳng chuyên nghiệp, 100% trường phổ thông có tổ chức khuyến học; 60% người trong độ tuổi lao động của các mô hình học tập đạt danh hiệu Công dân học tập. Đồng thời, Hội đặt mục tiêu các mô hình được công nhận là: Gia đình học tập đạt 85%, dòng họ học tập đạt 80%, cộng đồng học tập đạt 80%, đơn vị học tập đạt 85%... Quỹ khuyến học tỉnh có số dư 2 tỷ đồng trở lên

Viết tiếp truyền thống hiếu học

Hoạt động khuyến học đã khơi dậy, hội tụ các tiềm lực để đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, xây dựng xã hội học tập. Giáo dục Nam Định có những bước phát triển mới cả về diện rộng và chiều sâu, chất lượng giáo dục luôn là điểm sáng của cả nước. Cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tỉnh đã ưu tiên nguồn ngân sách đầu tư nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới trường, lớp; mua sắm thiết bị dạy và học. Đến nay, mạng lưới cơ sở giáo dục đã đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em nhân dân; trên 80% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; đạt chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn. Hiện nay, gần 100% giáo viên ở Nam Định đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn.

Cùng với xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với nghề, Nam Định xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, kỷ cương. Với tinh thần của cuộc vận động “học thực chất, thi thực chất”, ngành Giáo dục và Đào tạo Nam Định tiếp tục giữ vững thành tích 28 năm dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục, đứng trong tốp dẫn đầu cả nước tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đứng thứ Nhất toàn quốc về điểm trung bình tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. Đất học Nam Định đã ươm mầm nhiều tài năng trẻ, chắp cánh cho hàng nghìn con em người lao động thành đạt nên người, nhiều tấm gương vượt khó học giỏi, giành các giải học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, trong mười năm qua (từ năm học 2011 - 2012 đến nay), Nam Định có tỷ lệ đoạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hàng năm trên 80% với 761 em đoạt giải (32 giải Nhất, 241 giải Nhì, 271 giải ba và 217 giải Khuyến khích), thuộc tốp đầu toàn quốc. Tỉnh có 21 lượt học sinh đạt giải Olympic quốc tế, trong đó có 4 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 11 Huy chương Đồng. Năm học 2020 - 2021, Nam Định có 77/92 học sinh đoạt giải quốc gia với 4 giải Nhất, 19 giải Nhì, 25 giải Ba, 29 giải Khuyến khích.

anh tin bai

(Học sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong trong ngày tốt nghiệp)

Đặc biệt, năm học 2021-2022, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở đạt 99,94%, tốt nghiệp Trung học Phổ thông đạt 99,84%; điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đạt 7,047 điểm (toàn quốc là 6,47 điểm), xếp thứ Nhất toàn quốc (cao hơn năm 2021 một bậc và 0,051 điểm); 9/9 môn thi tốt nghiệp có điểm bình quân trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc, trong đó điểm bình quân môn Toán và môn Địa lý xếp thứ Nhất toàn quốc. Toàn tỉnh có 293 điểm 10 (xếp thứ 4 toàn quốc), điểm bình quân các khối thi truyền thống của học sinh Nam Định trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước. Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, địa phương có 68/92 học sinh dự thi đoạt giải (4 giải Nhất, 20 giải Nhì, 29 giải Ba, 15 giải Khuyến khích), tiếp tục duy trì trong nhóm 5 tỉnh có tỷ lệ đoạt giải và chất lượng giải cao nhất toàn quốc; có 3 học sinh được chọn tham dự kỳ thi chọn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022.

Kết quả đã đạt được thể hiện sự quyết tâm lớn của các nhà quản lý giáo dục, của các thầy giáo, cô giáo trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và cũng là sự nỗ lực quyết tâm lớn của các em học sinh. Qua đó, khẳng định hướng đi đúng đắn, sự chỉ đạo sâu sát của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định trong cả hệ thống giáo dục phổ thông từ bậc học Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông trong thời gian qua.

Những thành tích trên không chỉ là kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học, sự chăm lo của toàn xã hội cho sự nghiệp giáo dục, mà còn phản ánh quá trình lao động sư phạm nghiêm túc, đầy trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và sự miệt mài học tập của học sinh Nam Định đóng góp nguồn nhân lực giỏi cho quê hương và đất nước.

Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an toàn trường học; rà soát, sắp xếp, quy hoạch điểm trường theo hướng tinh gọn, tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Ngành cũng tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm định chất lượng giáo dục...

Trải qua bao thế hệ, truyền thống hiếu học ở vùng đất Thành Nam luôn được gìn giữ, phát huy, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh phát triển lên một tầm cao mới; đáp ứng yêu cầu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” theo đường lối đổi mới của Đảng.

(Nguồn: Nam Định - Sự kiện và Dấu ấn 2022, NXB Thông tấn)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image